Hội thảo khoa học “Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”

10/06/2023
In trang
Ngày 09/6/2023, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của hơn 40 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia và nhà phát hành, phổ biến phim.

Qua 15 ý kiến phát biểu của các nhà quản lý, chuyên gia và nhà phát hành, phổ biến phim tại Hội thảo, thực trạng hoạt động phát hành, phổ biến phim trong thời gian vừa qua tại Trung ương và địa phương đã được đưa ra trao đổi và thảo luận.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ về một số thách thức bởi tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến hoạt động phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam, góc nhìn từ công tác quản lý nhà nước về điện ảnh

Theo đó, các đại biểu cho rằng, kể từ khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua (năm 2006) và có hiệu lực thi hành vào năm 2007, Điện ảnh Việt Nam đã chính thức bước vào cơ chế thị trường thông qua việc mở cửa tất cả các công đoạn làm phim, từ sản xuất đến phát hành, phổ biến và lưu trữ phim. Trong đó, phát hành, phổ biến phim là hoạt động có nhiều thay đổi và chịu sự tác động mạnh mẽ nhất từ cơ chế thị trường.

Khi điện ảnh Việt Nam mở cửa, hoạt động phổ biến, phát hành phim đã thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống rạp chiếu phim với trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 993 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, trong đó, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%. Việc đầu tư máy chiếu phim công nghệ kỹ thuật số hiện đại của các phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm khoảng 38%, các phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân là 100%.

Bên cạnh đó, số lượng phim nhập khẩu gia tăng, tạo ra sự đa dạng về nguồn phim, thể loại phim chiếu phục vụ nhu cầu của khán giả trong nước. Đặc biệt, khán giả được tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hàng đầu thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Ngoài ra, hoạt động phát hành, phổ biến phim diễn ra sôi động đã tạo ra công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động tại các trung tâm, khu đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phụ cận. Đồng thời, hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật chiếu phim hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế được chuyển giao, lắp đặt tại Việt Nam; tạo ra sự cạnh tranh giữa các hệ thống phát hành (giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài).

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, việc mở cửa thị trường cũng gây ra những khó khăn cho hoạt động phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước. Trong suốt giai đoạn 2010-2018, các doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị về việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trong phát hành, phổ biến phim, lấn át, gây khó khăn cho phim Việt Nam đưa vào phổ biến tại hệ thống rạp do nước ngoài đầu tư, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển điện ảnh dân tộc.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn internet băng rộng và dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng. Đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, các loại trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế. Trên thực tế, các nội dung này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ ở khu vực thành thị. 

Hiện nay, để tiếp tục thâm nhập thị trường trong nước, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tích cực mua bản quyền và cung cấp trên kho nội dung một số phim điện ảnh, truyền hình của các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.

Trước bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và sự biến động sâu sắc của xã hội dưới tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động phát hành, phổ biến phim trong thời điểm hiện tại đã bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước hoặc chưa theo kịp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới, cũng như trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ số và mạng lưới thông tin tiên tiến thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động phát hành, phổ biến phim nói chung, tính hiệu quả trong việc thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển nói riêng, để ngày càng hội nhập mạnh mẽ với điện ảnh thế giới.

Minh Ước
 

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan